Xe khách hạng sang 'chạy dù' - làm khó thanh tra giao thông

02:56:59 04-03-2017

Hà Nội hiện có khoảng 200 xe Limousine dưới 10 chỗ được cấp phép hoạt động. Phát hiện nhiều xe loại này "chạy dù" dưới hình thức chở khách hợp đồng, song lực lượng chức năng gặp khó khi xử lý.

Đầu tháng 3, Thanh tra Sở giao thông Hà Nội đã ra quân xử lý xe dù bến cóc, qua thực tế cho thấy việc xử lý xe khách liên tỉnh trá hình dưới dạng thức xe Limousine chạy hợp đồng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên lái xe thường xuất trình hợp đồng vận chuyển đầy đủ, hành khách bất hợp tác với nhà chức trách.

Theo đại diện Sở giao thông Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 200 xe Limousine dưới 10 chỗ được cấp phép hoạt động xe hợp đồng. Riêng trong tháng 1/2017, đã có thêm 13 xe được cấp mới. Mặc dù đăng ký chở khách hợp đồng (không được vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định), song trên thực tế nhiều xe Limousine hoạt động tương tự như xe khách liên tỉnh, chỉ khác là không vào bến chính thức mà dựa vào bến cóc tự phát. Ngoài ra, hàng trăm xe Limousine có biển số các tỉnh khác cũng tham gia đưa đón khách từ Hà Nội đi các địa phương. 

Đại diện Sở giao thông thông tin thêm, vì quy định xe dưới 10 chỗ không phải báo cáo trước về hợp đồng vận chuyển nên số xe Limousine ngày càng gia tăng; ngoài ra đây là loại xe tiện nghi và thuận lợi hơn so với xe khách lớn nên ngày càng nhiều người lựa chọn.

thanh-tra-giao-thong-gap-kho-voi-xe-khach-hang-sang-chay-du

Xe Limousine đón khách trên nhiều phố Hà Nội. Ảnh: Xuân Hoa 

 

Ông Trần Đăng Hải, Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho hay rất khó để xử lý loại xe Limousien chở khách theo tuyến. Theo Thông tư 63, khi nhà xe xuất trình được hợp đồng ký kết thì đã chứng minh xe hoạt động hợp pháp, lực lượng thanh tra chỉ có thể xử phạt nếu xe dừng đỗ trái phép trên đường. 

Trong thực tế đa số xe dù chở khách theo tuyến vào những khung giờ cố định, nhưng ông Trần Đăng Hải cho rằng, khó có thể chứng minh được điều này vì lực lượng thanh tra Hà Nội chỉ biết xe chạy trên địa bàn Thủ đô, còn chạy theo một lộ trình nhất định hàng ngày từ đâu đến thì lại phải thanh tra giao thông của các tỉnh, thành khác cùng vào cuộc. 

Hơn nữa, các xe dù có nhiều chiêu trò để hợp thức hóa hoạt động. Vì phải có hợp đồng chở khách nên nhà xe đã liên kết hoặc lập ra một doanh nghiệp "ma" để làm hợp đồng, khi khách gọi điện đặt chỗ thì nhà xe ghi tên lên hợp đồng. Nhà xe cũng thường thu tiền sau khi lên xe mà không bán vé cho hành khách, để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. 

Trong khi nhà chức trách kêu khó xử lý, một số chuyên gia giao thông cho rằng cơ quan chức năng thiếu kiên quyết với các xe hợp đồng chạy dù. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội, cho rằng cảnh sát giao thông cần vào cuộc xử lý xe dù, thay vì chỉ có thanh tra giao thông như hiện nay.

Cảnh sát có thể dừng xe khi nghi ngờ và yêu cầu chủ hợp đồng trên xe đối chất, làm rõ số người, số tiền của hợp đồng, qua đó "có thể biết được xe chở khách trá hình hay không". 

Ngoài ra, các xe phải có thiết bị giám sát hành trình và nhà xe phải gửi lộ trình về Sở Giao thông, qua đó cơ quan quản lý sẽ nắm được thông tin cần thiết.

thanh-tra-giao-thong-gap-kho-voi-xe-khach-hang-sang-chay-du-1

Thanh tra giao thông xử phạt xe hợp đồng dừng đỗ sai quy định. Ảnh: Xuân Hoa

 

Bày tỏ quan ngại trước vấn nạn xe dù bến cóc, ông Liên cho rằng do không quản lý được nên nhà nước có thể thất thu thuế mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, và lâu dần các nhà xe chạy tuyến cố định sẽ bỏ bến để tham gia lực lượng trá hình này.

Đề cập về việc cần chỉnh sửa quy định quản lý xe hợp đồng, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Đường bộ, cho biết với cơ chế hiện hành thì việc giám sát nhà xe thực hiện hợp đồng vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận nhiều phản ánh về xe khách hạng sang "chạy dù", gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định. 

Do vậy, Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ Giao thông cho phép lập đề án nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý hoạt động đối với xe hợp đồng Limousine, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và giữa các loại hình vận tải. 


 

Cả nước hiện có trên 7.000 đơn vị được cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng với trên 35.000 xe. Riêng năm 2016, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính hơn 400 trường hợp xe khách vi phạm các loại, trong đó có khoảng 7% số xe hợp đồng song không có hợp đồng vận chuyển. 

Quy định hiện hành với xe hợp đồng: 
- Không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
- Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng vận chuyển với nội dung hợp đồng theo quy định.
- Khi sử dụng xe ôtô từ 10 hành khách trở lên để thực hiện hợp đồng vận chuyển thì trước đó, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh các thông tin về hợp đồng theo quy định.

 

 

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/thanh-tra-giao-thong-gap-kho-voi-xe-khach-hang-sang-chay-du-3549575.html