Cần giải pháp đồng bộ để giảm tai nạn giao thông

02:45:12 15-04-2017

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa giao Ban An toàn giao thông, Thành đoàn, các sở, ngành, UBND các địa phương triển khai có hiệu quả các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông (TNGT), phấn đấu kéo giảm ít nhất 5% TNGT trên cả ba tiêu chí trong năm 2017.

Theo thông tin từ Văn phòng UBND thành phố, năm 2016, trên địa bàn thành phố xảy ra 3.962 vụ TNGT, làm chết 805 người, bị thương 3.024 người, tăng gần 208 vụ (5,54%); số người chết tăng 103 người (14,67%) so với năm 2015. Những tháng đầu năm 2017, tình hình TNGT vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Theo Cục Thống kê thành phố, ba tháng đầu năm, toàn thành phố xảy ra 931 vụ TNGT, làm chết 155 người, bị thương 751 người khác, hàng trăm phương tiện giao thông bị hư hỏng, thiệt hại vật chất hàng chục tỷ đồng. Qua phân tích các vụ TNGT cho thấy, phần lớn do xe gắn máy gây ra; tỷ lệ nam giới điều khiển phương tiện gây tai nạn cao hơn nữ giới; đại đa số người bị thương vong do TNGT có độ tuổi từ 19 đến 40. Nhiều vụ tai nạn có nguyên nhân từ rượu, bia; người điều khiển phương tiện chưa đủ 18 tuổi... Điều này, chứng tỏ ý thức tuân thủ luật lệ giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.

Có thể nói, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) đã được phổ biến đến tất cả công dân. Trước khi được cấp Giấy phép lái xe, phải trải qua kỳ thi sát hạch về kỹ năng điều khiển phương tiện và hiểu biết về Luật GTĐB. Trong các trường học, việc triển khai hướng dẫn an toàn giao thông; giáo dục luật lệ giao thông cho học sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành từ những năm 90. Từ đó đến nay, Bộ cũng ban hành nhiều văn bản, yêu cầu các trường học hướng dẫn học sinh thực hiện nghiêm các nghị định của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị... Thế nhưng, thực tế vẫn còn khá nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên điều khiển phương tiện khi chưa được cấp giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách...

Từ thực tế, tỷ lệ người trong độ tuổi thanh niên bị thương vong do TNGT cao cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho thanh niên, học sinh, sinh viên là hết sức cần thiết, là một trong những giải pháp làm giảm TNGT bền vững. Ở đây vai trò, chức năng của tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Thanh niên có ý nghĩa rất quan trọng. Muốn đưa pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến đông đảo bạn trẻ, tổ chức đoàn, hội các cấp cần có các giải pháp cụ thể tuyên truyền luật lệ giao thông; thực hiện nếp sống văn hóa khi điều khiển phương tiện, tham gia giao thông cho đoàn viên, thanh niên. Coi đó là công tác cấp bách và lâu dài. Nội dung tuyên truyền phải phong phú, hình thức đa dạng, hấp dẫn; thu hút được đông đảo thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia, đồng thời có sức lan tỏa đến các đối tượng, các quận huyện, hướng tới mục tiêu tạo bước đột phá về kéo giảm TNGT của thành phố. Hơn nữa, để học sinh khi trưởng thành có ý thức chấp hành luật lệ giao thông tốt, rất cần sự gương mẫu của người lớn. Trên đường phố, không ít trường hợp cha mẹ vi phạm Luật GTĐB khi chở con trên xe như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... Nếu như ban giám hiệu các trường học quan tâm nhắc nhở, đề nghị cha mẹ học sinh gương mẫu thì giáo dục pháp luật về giao thông cho các cháu sẽ hiệu quả hơn.

Ngoài ý thức của người tham gia giao thông, việc lực lượng Cảnh sát giao thông xử phạt nghiêm người vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; không còn các trường hợp “xin, cho”; nhận chút “tiền cà-phê” cũng có tác dụng rất cao làm giảm vi phạm, giảm TNGT.